Trong 3 tháng đầu năm, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh Hà Nam tăng đột biến, khiến cho nhiều nhà thầu xây dựng gặp không ít khó khăn. Các nhà thầu kiến nghị, Nhà nước sớm điều chỉnh giá VLXD cho phù hợp với giá thị trường và có chính sách bù giá cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Nếu so với đầu tháng 1, trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022, giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh từ 600.000 - 1.400.000 đồng/tấn tùy loại. Các loại VLXD khác như cát, gạch, đá cũng tăng cao, có nhiều loại tăng 30 - 35%. Tại một số điểm bán VLXD trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giá cát vàng đang ở mức 550.000 - 650.000 đồng/m3 đến chân công trình, tăng 250.000 - 300.000 đồng/m3 so với cuối năm 2021; gạch ống tăng thêm 100 đồng/viên; giá xi măng cũng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn so với đầu năm, khi nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu tăng giá.
Theo nhiều nhà thầu xây dựng, giá xăng dầu tăng khoảng 60% so với đầu năm không chỉ khiến cho các loại giá VLXD tăng cao mà chi phí cho mỗi ca máy thi công trên các công trường xây dựng cũng bị đội lên rất cao.
Ông Trần Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thắng (Lý Nhân) phân tích, nếu tính bình quân so với cuối năm 2021 thì hiện nay các loại VLXD tăng khoảng 25 - 30%. Với mức tăng như trên, các nhà thầu xây dựng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khi vẫn phải thực hiện theo giá cũ. Đối với doanh nghiệp có các công trình chuyển tiếp từ năm 2021 sang, thi công được 60 - 70% khối lượng vẫn phải tiếp tục thi công để hoàn thành kế hoạch đề ra. Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước sớm có kế hoạch điều chỉnh giá VLXD để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu và không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình. Về lâu dài, Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá VLXD để nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Nhà thầu thi công, cải tạo quốc lộ 21, đoạn qua địa bàn tỉnh.
Cũng như Công ty TNHH Nam Thắng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi giá VLXD tăng cao. Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành xây dựng, chi phí thép chiếm 12 - 16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10%, giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng thêm 1%. Dự báo đà tăng giá của thép có thể chưa dừng lại khi nhu cầu sử dụng thép sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Chính phủ chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hàng loạt công trình xây dựng mới được khởi công thì nhu cầu sử dụng thép là rất lớn. Cùng với thép, giá nhiên liệu đầu vào như xăng, dầu tuy có giảm so với tháng trước song vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng chỉ đạo thi công đường nối 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh cho biết, với hàng chục thiết bị máy móc, xe ô tô, mỗi ngày doanh nghiệp tiêu thụ một lượng lớn xăng, dầu. Nếu so với thời điểm trúng thầu thì giá xăng, dầu đã tăng cao, khiến chi phí nhiên liệu cho máy móc thi công tăng rất cao. Khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao khiến nhà thầu chịu rất nhiều áp lực về chi phí vận hành các thiết bị cơ giới thi công và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho nhà thầu thi công, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều kiến nghị Nhà nước xem xét điều chỉnh giá VLXD cho phù hợp với giá của thị trường. Về lâu dài, cần có chính sách bình ổn giá VLXD và xây dựng đơn giá VLXD sát với giá thị trường. Tránh tình trạng, khi giá VLXD tăng cao nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả phục hồi kinh tế.
*Nguồn: baohanam.com.vn
Tác giả: Trần Hữu